Ngay từ những thông tin đầu tiên được đoàn làm phim tiết lộ, Em và Trịnh đã gây nhiều sự chú ý của dư luận và hứa hẹn là tác phẩm được chào đón nhất của điện ảnh Việt Nam nửa sau năm 2022. Sau khi vừa được công chiếu mới đây, bộ phim lại tiếp tục gây tranh cãi vì kịch bản, diễn xuất. Và đặt ra câu hỏi bộ phim có đáng để chúng ta tới rạp?

Em và Trịnh

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn, một thứ âm nhạc khác biệt, độc đáo đến mức người ta phải đặt cho nó một cái tên riêng “nhạc Trịnh”.

Trịnh Công Sơn là người viết lên câu hát “Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui” đầy khao khát yêu thương như chính cuộc đời ông. Ông là một nhạc sĩ chuyên viết tình ca , viết về vô số “nàng thơ” đã đi ngang cuộc đời mình để rồi cho đến tận cuối đời vẫn lẻ bóng. Cuộc đời Trịnh, âm nhạc Trịnh, tình yêu của Trịnh là một câu chuyện quá lớn để đưa vào một bộ phim.

Em Và Trịnh đã phần nào phác họa lên hình ảnh người nghệ sĩ tài ba này và cuộc đời ông. Đây là một thách thức không hề dễ dàng vượt qua nên cũng hoàn toàn hợp lí khi bộ phim gây được cơn sóng dư luận lớn đến vậy.

Những nàng thơ gắn liền cùng các tình khúc bất hủ

Em và Trịnh đẩy tuyến nhân vật Trịnh Công Sơn về già (Trần Lực) làm trung tâm, khi ông “lưu lạc” giữa hiện tại và những miền ký ức thời trẻ. Nội dung câu chuyện xoay quanh quãng thời gian trung niên của Trịnh Công Sơn (Trần Lực), khi âm nhạc phản chiến của ông được cô gái người Nhật Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari) lựa chọn để làm đề tài nghiên cứu.

Âm nhạc là trục xương sống của kịch bản “Em Và Trịnh”. Những ca khúc đã làm nên tên tuổi của cố nhạc sĩ như “Mưa Hồng”, “Nắng Thủy Tinh”,… cũng được kể câu chuyện ra đời của riêng mình.

Màn tương tác giữa Trịnh Công Sơn thời trẻ (Alvin Lu) – Dao Ánh (Hoàng Hà) có lẽ là những tình tiết ấn tượng nhất trong phiên bản này.

Dễ hiểu khi những bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn lại mang theo nhiều triết lý nhân sinh đến vậy. Mối tình của ông không khỏi khiến chúng ta cảm nhận được nhiều cảm xúc, yêu thương, day dứt, nuối tiếc giữa một thời chiến – loạn bị ngăn cách về địa lý như chính ta đang sống trong tình cảnh đó.

Nhưng đến Diễm (Lan Thy) trong sản phẩm này thì chưa thực sự tạo ra được sự ấn tượng như những gì khán giả kỳ vọng. Những gì nhân vật thể hiện không rõ ràng, sâu đậm đến mức Trịnh Công Sơn sẵn sàng viết một ca khúc “Diễm Xưa” cho nàng Diễm, ca khúc gây thổn thức cho cả một thế hệ.

“Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly do Bùi Lan Hương thủ vai đã để lại nhiều ấn tượng trong Em Và Trịnh dù đất diễn của cô không thực sự nhiều. Chủ yếu những ấn tượng đó đến từ tình tiết gây cười trong các cuộc hội thoại với nhân vật của Avin Lu.

Việc dàn trải cuộc đời Trịnh Công Sơn từ lúc đỉnh cao đến tuổi xế chiều, giúp nội dung phim trọn vẹn hơn và giúp khán giả cảm nhận được những cống hiến của nhạc sĩ với nền âm nhạc Việt Nam.

Ấn tượng về phần nhìn

Phải công nhận rằng cảnh quay của phim rất đẹp mắt và thu hút người xem. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh rất tinh tế khi liên tục thực hiện những khung hình tròn trịa và có chủ đích. Xuyên suốt “Em Và Trịnh”, những khung cảnh gây ấn tượng nhất là những khung cảnh sử dụng frame-in-frame.

Khung cảnh hiện ra là cửa sổ hướng ra vườn nhà Trịnh Công Sơn ngập tràn hoa lá và những khung cửa để ta ngắm nhìn hình ảnh một người say đắm trong cơn men tình yêu, một Dao Ánh yêu kiều không kìm nổi cảm xúc trong ánh mắt khi đọc những bức thư từ B’lao, tất cả tạo ra một phần nhìn đậm chất nghệ thuật cho sản phẩm này.

Ngoài ra, khung cảnh vùng đồi núi xanh mướt tại Bảo Lộc trong “Em Và Trịnh” cũng khiến nhiều khán giả phải trầm trồ. Người nhạc sĩ này quả thật có con mắt và tâm hồn tinh tế mới có thể tìm ra được một nơi phù hợp cho việc sáng tác những bản tình đến như vậy.

Tuy nhiên, những hình ảnh của một thời khói lửa chiến tranh được lồng ghép trong những thước phim chưa đủ khéo léo và có cảm giác làm chưa tới mà lại khiến nhiều khán giả cảm thấy lê thê và không cần thiết. Một số đoạn đột ngột trở thành phim tài liệu, lạc lõng với không khí toàn bộ phim.

Những điểm gây tiếc nuối của bộ phim

Mặc dù lấy âm nhạc làm người dẫn chuyện nhưng cách thực hiện chưa thực sự tinh tế khiến người xem hụt hẫng.

Khi ca từ “Trời còn làm mưa” cất lên thì trên màn ảnh, mưa đổ xuống. Hay với lời hát “Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi… (bài Ngẫu nhiên), nhân vật trong phim cũng… đi tìm một chiếc ghế để ngồi xuống. Cách làm này khá đơn điệu, chưa sáng tạo, chưa đủ để đẩy cảm xúc người xem lên cao trào.

Về xây dựng nhân vật và diễn xuất, dường như vẫn chưa đủ để tái hiện lại hình ảnh người nhạc sĩ ấp ủ bao tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Hay những vấn đề về ngữ điệu và giọng Huế trong phim cũng là một hạt sạn rất lớn. Người xem đòi hỏi sự chỉn chu, sâu sắc hơn trong một tác phẩm về Trịnh Công Sơn mà những gì một sản phẩm được đầu tư hơn 50 tỷ thể hiện vẫn có cảm giác hời hợt, chưa tới.

Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm điện ảnh Việt với nội dung đặc sắc và xứng đáng nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *